Có một câu cửa miệng tôi thường nghe từ các bạn trẻ khi tôi làm việc cùng. “Cái đó dễ mà, lát em làm tí là xong”. Nhưng kết quả tôi được nhận luôn là phải điều chỉnh, phải góp ý, và có khi phải làm lại từ đầu. Rồi từ lúc nào, cái biệt danh “bà già khó chịu” nghiễm nhiên thuộc về tôi.
Khi làm việc, dù đó là việc lớn hay nhỏ, tôi có thói quen nghĩ xem mình nên làm thế nào? Kết quả mong đợi là gì? Rồi mới thực hiện công việc. Thời gian nghĩ có thể là vài giây, vài phút hoặc lâu hơn tuỳ tính chất công việc. Sao phải phức tạp vậy? Có những việc dễ như cơm bữa, suy nghĩ làm gì cho mệt đầu, mất thời gian?
Hồi còn học phổ thông, lần đầu tiên được phân công trực nhật. Tôi thường dành vài phút tính toán xem phải xếp bàn ghế như thế nào để mình dễ dàng quét sạch phòng học và đặt bàn ghế về vị trí cũ một cách nhanh nhất có thể. Cái giây phút tính toán ấy của tôi được xem làm “chậm chạp”. Quét xong thì bạn bè tụm lại xếp gọn vào là xong chứ gì mà phải nghĩ. Nhưng không, kể cả bạn bè chụm lại, thì việc xếp cũng sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Và quan trọng, mỗi khi đến lượt trực của tôi, kết quả trực nhật luôn rất hoàn hảo mà lại không mất nhiều thời gian. Tôi chỉ mất một chút thời gian xem xét vấn đề khi chưa bắt đầu. Sau đó có được kết quả như ý mà không phạm giờ, điều này chẳng phải thích thú hơn sao?
Cái việc phải suy nghĩ khi chưa bắt đầu ấy, là một việc khó hoặc rất khó, tuỳ tính chất công việc. Đặc biệt là khống chế về mặt thời gian. Nhưng rõ ràng, khi ấy mình chưa bắt tay vào, thì mọi thứ đang còn nằm trên sự tính toán của mình. Mình có thể nhìn thấy cái vấn đề cần giải quyết, cái vấn đề có khả năng xảy ra. Nhưng nó chưa xảy ra, vậy mình có thể điều chỉnh cho nó ổn hơn. Việc này sẽ dễ hơn phải chữa cháy cho một kết quả không như ý. Tôi hay tự gọi vui đó là làm việc trong sự tỉnh thức.
Tôi đặc biệt tôn trọng tất cả việc mình làm dù là rất nhỏ. Cách mà tôi trau chuốt từng việc nhỏ nó giúp cho tâm hồn tôi rộng mở hơn. Vì nếu chỉ làm cho xong việc, thì nó đơn giản chỉ là một công việc được giao. Còn làm với sự suy tư, sáng tạo, đặt để tâm hồn của mình vào thì đó chính là cái niềm vui thích của mình.
Đương nhiên không có cái gì dễ. Cũng có lúc tôi tính toán sai, hoặc vô vàn những trường hợp bất khả kháng diễn ra. Nhưng việc chủ động từ đầu đã giúp tôi dễ dàng chấp nhận kết quả hơn. Tôi không ân hận hay áy náy vì lẽ ra mình đã có thể làm tốt hơn. Cũng không ước gì “cho thời gian trở lại”…
Tôi cũng đã gặp phải những lúc khẩn cấp đến không kịp nghĩ. Khi ấy, lại có một phương pháp tôi được dạy từ người sếp cũ. Rằng nếu thời gian không đủ để mình đưa ra phương án tối ưu. Thì hãy thả lỏng cơ thể, thở vào ra nhẹ nhàng, để tìm lại cái bản năng vốn có của mình. Hành động khi ấy chính là bản năng. Nhưng là bản năng trong sự tỉnh thức. Và chỉ việc thở thôi, cũng được xem là một việc khó với một số người.