Năm ấy, tôi vào bệnh viện chăm sóc má, má bị tai nạn xe máy phải gắn ốc hết vùng xương chân và phải nằm viện gần cả tháng. Tôi còn nhớ, má nằm trong căn phòng rộng cùng nhiều bệnh nhân khác. Tôi vốn là đứa rất nhát gan, tôi rất sợ phải nhìn vào những vết thương của các bệnh nhân khác. Nhưng ở được dăm ba hôm, má bắt đầu kể tôi nghe bác bên này, cô bên kia, có cả đứa trẻ mới lên sáu tuổi, họ bị gì, đau đớn ra sao, thương lắm… Má cứ liên tục tặc lưỡi xót thương cho người này, người kia, mặc dù cơ thể mình cũng đang rất đau dớn. Má tôi dù không thể tự di chuyển, nhưng vẫn cố gắng trò chuyện với các bệnh nhân khác trong phòng. Má nói như vậy không chỉ để quên những cơn đau của bản thân, mà còn giúp cho những người khác quên đi cơn đau của họ. Má dạy tôi cách quan sát, cởi mở, giữ tâm yêu thương với người khác, thì sẽ không còn thấy sợ những vết thương của họ nữa. Một bác lớn tuổi hơn má tôi bị hoại tử phải cắt bỏ gần như nữa thân người, chỉ còn lại 2 cánh tay để hoạt động. Má nói con của bác bận đi làm không nghỉ nhiều được, nên chỉ có các cô y tá ở đây chăm cho bác thôi. Chỉ khi đến giờ ăn thì con bác mới mang cơm vào.
Thời gian ồn ào nhất của bệnh viện là buổi sáng, cô y tá sẽ vào thay thuốc cho từng bệnh nhân. Cả căn phòng vang vọng tiếng la khóc từ già đến trẻ. Tôi nắm chặt tay má mỗi khi thay thuốc, má thều thào nhưng vẫn cố cắn răng chịu đựng không than khóc, tôi biết má sợ tinh thần yếu ớt của tôi bị tổn thương. Còn tôi, cách duy nhất tôi có thể làm cho má lúc này cũng chỉ là nắm tay người thật chặt. Vậy mà vừa thay thuốc xong, má liền bảo tôi, con qua nắm tay bác giường bên cạnh cho cô y tá qua thay thuốc, mình giúp bác giảm được phần nào cơn đau cũng được con. Vậy đó, trong suốt cả tháng trong bệnh viện, tôi mỗi sáng đều đặn nắm tay má mình, rồi lại quay sang nắm tay bác “hàng xóm”. Khi ấy, tôi không biết việc này có làm giảm được phần nào nỗi đau của bác như má tôi nói không? Tôi chỉ có thể quan sát sự chuyển động từng cơn đau từ má, từ bác qua cái nắm tay…
Ngày má ra viện, bác vẫn phải ở lại để theo dõi tình hình. Bác đưa bàn tay yếu ớt, nắm tay tôi thều thào “Cảm ơn con đã nắm tay bác mỗi sáng, bác rất hạnh phúc”.
Rồi một ngày tôi đọc được thông tin của một nghiên cứu chỉ ra rằng nắm tay có thể mang lại cảm giác an toàn, xoa dịu nỗi đau tinh thần, giúp giảm bớt căng thẳng, cải thiện sức khoẻ tim mạch, kích hoạt hormone tình yêu…
Ừa, má tôi chắc chẳng biết đến mấy cái nghiên cứu khoa học này đâu, nhưng ngày ấy nhất định bảo tôi phải nắm tay bác ấy mỗi sáng. Rồi khi tôi lấy chồng, má cũng dặn, đừng quên nắm tay chồng con dù ở nhà hay ra ngoài. Làm như vậy thì dù căng thẳng đến mấy cũng sẽ vượt qua hết. Và tôi đã vượt qua thật, những ngày tôi và chồng tranh cãi, tôi muốn đi bộ để giảm căng thẳng, chồng nắm tay tôi bảo “cùng đi”. Vậy là, chuyện đúng sai bỗng chốc lại chẳng còn quan trọng nữa.
Và tôi bắt đầu có thói quen quan sát những cái nắm tay. Tôi đã thấy cái nắm tay hạnh phúc của ông bà lão đi bộ mỗi sáng, họ đã nắm tay như thế mấy mươi năm. Tôi thấy cái nắm tay của người cha, người mẹ bên cạnh đứa trẻ của mình. Hay cái nắm tay tôi dành cho cô bạn thân ngày cô ấy cảm thấy hụt hẫng và thất vọng nhất. Đôi khi trong những tình huống chẳng biết phải nói gì, tôi mượn cái nắm tay để giải bày. Tôi thầm nghĩ, Má tôi quả là nhà khoa học vĩ đại nhất trong lòng tôi.
Cái nắm tay chân thành ấm áp qua lời văn nhẹ nhàng của bạn Dahee thật xúc động.
Qua bài viết của bạn, mình cảm nhận được sự tinh tế, nhẹ nhàng qua từng mạch cảm xúc, và một tình yêu ngọt ngào, dịu dàng cho tất cả mọi thứ xung quanh.
Nguyện chúc cho những điều tốt lành từ Dahee lan tỏa rộng khắp thế giới này.
Yêu.
Cảm ơn Louisa, người bạn thân thương luôn dõi theo mình từng bước. Chúng ta cùng nắm tay nhau an nhiên trên hành trình này.
Hello!
Good cheer to all on this beautiful day!!!!!
Good luck 🙂